Liên kết website

Thống kê truy cập

Xây dựng nông thôn mới

Quang Bình chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

30/07/2019 00:00 201 lượt xem

Nhiều năm nay, những nông dân chân chất trên mảnh đất Quang Bình vẫn coi “con trâu là đầu cơ nghiệp” giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Nhưng từ khi Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh ban hành và đi vào cuộc sống gắn với thực hiện Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của tỉnh đã tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô chăn nuôi.

 Tính đến hết năm 2018, huyện Quang Bình có trên 766 hộ được giải ngân vốn vay ưu đãi với số tiền hơn 81 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, phù hợp trồng các loại cỏ làm thức ăn cho đại gia súc, đa số người dân mạnh dạn mua trâu về chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Nhờ đó, tổng đàn trâu không ngừng tăng, đến nay đạt 22.903 con; trên địa bàn huyện có 11 gia trại nuôi trâu quy mô từ 15 - 30 con; chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, đàn trâu tăng tự nhiên 81 con, xuất chuồng 33.750 tấn thịt hơi; diện tích trồng cỏ 1.322 ha.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Viễng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên thu hoạch cỏ làm thức ăn cho gia súc.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Viễng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên thu hoạch cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Tiên Nguyên là xã có thế mạnh đồng cỏ rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, mấy năm gần đây, người dân đã biết chăn nuôi trâu hàng hóa thay vì chỉ sử dụng làm sức cày kéo trong nông nghiệp. Cùng với nhiều chủ chương, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh và huyện; cấp ủy, chính quyền xã xác định phải tập trung khuyến khích các hộ đầu tư phát triển mô hình gia trại và trồng cỏ nuôi trâu để thoát nghèo. Hiện xã có 2.827 con trâu và 118 ha cỏ, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn thô, xanh, giàu dinh dưỡng cho đàn trâu. Bên cạnh đó, người dân còn chủ động bỏ vốn mua trâu giống tốt về nhân đàn, làm chuồng trại kiên cố, có ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Anh Hoàng Văn Viễng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên bày tỏ: “Năm 2016, gia đình được vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để mua 5 con trâu nuôi sinh sản. Đồng thời, huyện hỗ trợ giống cỏ về trồng làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa khô, khan hiếm cỏ tươi; nhà tôi tự nhân rộng thêm 2 ha cỏ. Cán bộ xã thường xuyên xuống tuyên truyền, tiêm phòng vắc - xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng theo định kỳ nên đàn trâu phát triển ổn định, sinh sản được 7 nghé con. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán 2 con trâu, giá thấp nhất đạt 15 triệu đồng/con. Số tiền đó, tôi dùng vào những nhu cầu lớn như: Sửa sang nhà cửa, mua giống gà, lợn; trồng chè phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên thành hộ khá trong thôn”.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quang Bình cho biết: “Dựa vào kết quả thực tế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh; những cơ sở thuận lợi của Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của tỉnh, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, đưa tốc độ tăng trưởng đạt 3%/năm. Đặc biệt, tiếp tục triển khai chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh; nhân rộng chương trình thụ tinh nhân tạo với các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi trâu, bò như: Bằng Lang, Xuân Giang, Tân Bắc… để nâng tầm vóc, chất lượng đàn trâu, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng”.


Tin khác